Lần đầu tiên đặt chân đến Thụy Sỹ là vào một ngày mùa thu năm 2012. Ấn tượng ập vào tôi là một đất nước thanh bình và tĩnh lặng với phong cảnh hùng vĩ và “đẹp như tranh vẽ”. Sở dĩ tôi nói “đẹp như tranh vẽ” là bởi vì nếu bạn xem một bức ảnh về Thụy Sỹ trên internet thì vẻ đẹp bên ngoài có khi còn khiến chúng ta ngỡ ngàng hơn.
Nhớ những ngày đi học qua con đường nhỏ bên cạnh một cánh rừng, những ngôi nhà nhỏ với những sân cỏ rộng lớn, táo rơi đầy gốc, bí ngô to và hoa hướng dương nở rộ. Trước hiên nhà, những cụ ông, cụ bà gửi lời chào “Ciao” mỗi khi có người đi qua.
Lần ấy, có cơ hội được tham quan 1 chi nhánh ngân hàng UBS tại Solothurn mới thấy nó khác hẳn cách vận hành truyền thống của các ngân hàng với Việt Nam mình. Vắng lặng, hệ thống an ninh rất cao và người ta tuân thủ quy trình một cách chặt chẽ.
Thụy Sỹ nổi tiếng với hệ thống ngân hàng bảo mật hàng đầu thế giới, là nơi đặt trụ sở của một số cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới. Điều này có được phần lớn là do sự trung lập mà quốc gia này theo đuổi. Nhưng “Trung lập” không phải là họ không có quân đội mạnh, không phải họ không có vũ khí hiện đại hay những cơ sở dự phòng cho tình huống chiến tranh (kể cả hạt nhân) mà ngược lại. Họ có quân đội mạnh, vũ khí hiện đại, những nơi trú ẩn tiện nghi và cực kỳ an toàn.
Thụy Sỹ là một trong những quốc gia gia nhập LHQ sau cùng, vào những năm 2000, sau nhiều lần cân nhắc. Họ không phải là thành viên của EU hay NATO. Những quyết định của Thụy Sỹ liên quan đến các vấn đề quốc tế là cực kỳ thận trọng, một phần do bản chất trung lập mà họ đang theo đuổi và phần còn lại là do "hình ảnh trung lập" mà thế giới đang nhìn vào họ. Được xem là túi tiền của thế giới, nên mỗi quyết định của họ đều có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế đó. Họ đã từng đứng ngoài rất nhiều cuộc chiến tranh, rất nhiều lệnh trừng phạt, cấm vận đã không thể lung lay quyết định của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ đứng ngoài các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế. Thực tế chứng mình rằng, tài sản của nhiều cá nhân liên quan đến các lệnh cấm vận do LHQ ban hành đều được Thụy Sỹ quyết định tuân thủ để đảm bảo rằng luật pháp quốc tế được thực thi một cách nghiêm túc và cũng để nâng cao uy tín của họ; rằng Thụy Sỹ không phải là nơi để cất giấu tài sản phi pháp hay được sở hữu bởi những cá nhân, tổ chức tội phạm.
Thế nhưng, 28.02.2022, lại là một quyết định đặc biệt và có lẽ là chưa từng có tiền lệ khi mà Thụy Sỹ chủ động thông qua việc áp dụng một số biện pháp trừng phạt trong các gói cấn vận của EU đối với Liên bang Nga - một quốc gia là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ. Quyết định này là chưa có tiền lệ và áp dụng cho một cuộc giao tranh mà Thụy Sỹ cho rằng “chưa có tiền lệ”.
Nếu như các quyết định trước đây về việc đóng băng, phong tỏa tài sản của nhiều cá nhân liên quan đến các lệnh cấm vận nhận được sự ủng hộ của truyền thông và dư luận thì có vẻ lần này, quyết định của Thụy Sỹ mang đến nhiều hoài nghi về sự trung lập thật sự của họ.
Bản thân cũng thấy có chút tiếc nuối…
Comments